Rất nhiều người yêu thích leo núi vì leo núi là hoạt động thể thao không chỉ đòi hỏi sức khoẻ mà còn ý chí và lòng quyết tâm. Mặc dù leo núi rất vất vã và ẩn chứa nhiều nguy hiểm nhưng phần thưởng mà người leo núi nhận được khi lên được đến đỉnh núi – sự vui sướng, tự hào, xúc động khi đã vượt qua thử thách, và cả cảnh cảnh hùng vĩ đã khiến bao người say mê. Bạn đã chinh phục được một đỉnh núi rồi, vậy thì chắc chắn sẽ muốn tiếp tục thử thách bản thân với những đỉnh núi tại các nước Đông Nam Á...
1. Đỉnh Kota Kinabalu, Malaysia
Độ cao: 4,095 m
Kinabalu được xem là ngọn núi cao nhất Đông Nam Á nằm trong Vườn Quốc gia Kinabalu, tỉnh Sabah, Malaysia, đồng thời cũng là dãy núi cao nhất giữa Himalaya và Papua New Guinea.
Công viên Kinabalu được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Mỗi năm, ở ngọn núi này có hơn 40,000 người từ khắp thế giới đổ về đây để chinh phục. Một chuyến leo núi Kinabalu mất hai ngày hoặc ba ngày tùy theo thể lực của người leo. Kinabalu thu hút những người ở đủ mọi lứa tuổi đến thử sức.
Mặc dù là ngọn núi cao nhất Đông Nam Á, đường leo lên đỉnh Kinabalu không hề khó. Bạn không cần dụng cụ chuyên biệt hay kinh nghiệm leo núi chỉ cần sức khoẻ tốt và sự quyết tâm tột bậc là đủ!
2. Đỉnh Rinjani, Indonesia
Độ cao: 3,726 m
Đỉnh Rinjani nằm trên một ngọn núi lửa khổng lồ đang hoạt động chạy dài trên đảo Lombok, Indonesia.
Đây là ngọn núi lửa cao thứ hai ở Indonesia, và đỉnh Rinjani hứa hẹn sẽ cho bạn một tầm nhìn đẹp đến mức khó có thể tưởng tượng. Tuy nhiên, để chinh phục đỉnh núi này không dễ.
Thông thường, bạn sẽ mất khoảng bốn ngày để leo lên đến đỉnh. Do những sự việc đáng tiếc xảy ra trước đây bao gồm cả những người bị thiệt mạng, bạn bắt buộc phải thuê hướng dẫn viên có giấy chứng nhận hành nghề để được leo ngọn núi này.
3. Đỉnh Fansipan, Việt Nam
Độ cao: 3,143 m
Fansipan, được mệnh danh “Nóc nhà Đông Dương” là đỉnh núi cao nhất Việt Nam thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sapa khoảng 9km về phía tây nam.
Đây là một ngọn núi có độ dốc lớn, chỉ dành cho những người có thể lực tốt. Bạn sẽ cần ít nhất 2 ngày để leo lên và leo xuống trở lại. Đỉnh Fansipan có địa thế ghồ ghề nên người leo sẽ cần rất nhiều năng lượng và sức bền.
4. Đỉnh Bromo, Indonesia
Độ cao: 2,329 m
Núi Bromo là một núi lửa đang hoạt động và một phần của dãy núi Tengger, ở Đông Java, Indonesia. Tuy không phải là đỉnh cao nhất của dãy núi nhưng lại ngọn núi này được nhiều du khách lựa chọn tham gia trải nghiệm nhất vì cảnh quan hùng vĩ của nó.
Đến núi Bromo, dù bề mặt miệng núi khá bằng phẳng, tuy nhiên bạn cũng cần phải thật cẩn thận khi đặt chân đến đây vì xung quanh không có hàng rào bảo vệ. Và cũng vì đang ở ngay gần miệng núi lửa nên những làn khói lưu huỳnh bốc lên nghi ngút rất có thể sẽ khiến bạn bị choáng, đau đầu do hít ngửi quá nhiều. Vậy nên hãy mang theo một chiếc khẩu trang, hoặc không ở lại miệng núi quá lâu.
Thời điểm tốt nhất để chinh phục đỉnh Bromo là từ tháng 6 đến tháng 8, khi thời tiết khô ráo.
Tháng 8 cũng là lúc người dân địa phương tổ chức lễ hội Kasada. Tiền và đồ ăn sẽ được ném vào miệng núi lửa để làm dịu cơn giận dữ của các vị thần. Người dân bộ tộc này cũng tin rằng đỉnh Bromo là nơi hoàng tử của họ đã hy sinh tính mạng vì gia đình của ông, và biến nơi đây thành một nơi linh thiêng.
5. Đỉnh Gunung Tahan, Malaysia
Độ cao: 2,187 m
Tahan là một từ Malay có nghĩa là “chịu đựng”.
Đúng như cái tên của nó, ngọn núi này là một thử thách lớn về mặt thể chất. Nằm ở tỉnh Pahang, đỉnh núiGunung Tahan nằm ở toạ độ cao nhất ở Bán đảo Mã Lai. Để leo lên đến đỉnh ngọn núi này, một người có sức khoẻ tốt phải mất từ 7 đến 8 ngày. Khi leo núi sẽ phải chuẩn bị tinh thần để lên dốc rồi lại xuống dốc, vượt qua những con sông, và đi bộ trong rừng núi liên tục nhiều ngày liền.
6. Đỉnh Gunung Ledang, Malaysia
Độ cao: 1,276 m
Với độ cao 1,276 m nên ngọn núi này rất phù hợp cho những người yêu thích thiên nhiên và không đòi hỏi phải có trình độ leo núi tốt.
Đỉnh của ngọn núi Ledang nằm ở phía tây bắc Johor, Malaysia. Tuy là một ngọn núi nhỏ nhưng nơi đây lại có thảm động thực vật phong phú.
Ở đây còn có thác Puteri cao hơn 50 m là nơi mà theo truyền thuyết có công chúa Puteri Gunung Ledang đã sống. Vị công chúa này đã thách cưới vua Sultan (một vị vua Hồi giáo) bảy thùng nước mắt của gái đồng trinh và bảy khay tim muỗi.
7. Đỉnh Santubong, Malaysia
Độ cao: 810 m
Đỉnh Santubong nằm cách trung tâm thành phố Kuching khoảng 35km, có bề ngoài rất ấn tượng. Mặc dù không cao, nhưng đỉnh Santubong lại rất khó leo vì địa hình hiểm trở. Toàn bộ chuyến đi (bao gồm leo thang dây, leo dốc gần như thẳng đứng, trèo qua đá trơn nhẫy, và lội qua các dòng sông bùn) mất khoảng 6 tiếng đồng hồ.